Hãng giày thể thao lớn nhất của Mỹ và thế giới, Nike ngày càng dựa vào các nhà máy gia công của Việt Nam. Số giày sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 41% sản lượng của hãng, trong khi số giày xuất xứ từ Trung Quốc chỉ là 32% và 25% có nguồn gốc từ Indonesia.
Nguyên nhân của việc Nike chuyển hướng sang các nhà máy Việt Nam vì giá nhân công ở Trung Quốc trong vài năm gần đây đã mất đi lợi thế cạnh tranh so với thị trường lao động Việt Nam. Chỉ trong những năm qua, giá nhân công bình quân ở Trung Quốc đã tăng tới 22%, như ở Bắc Kinh lên mức bình quân 199 USD/tháng hay Thẩm Quyến lên 238 USD/tháng.
Giày nike rất được ưa chuộng trên khắp thế giới
Hiện các hãng giày của Mỹ đang vận động chính quyền nước này cởi mở hơn khi đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 quốc gia khác nhau, áp dụng mức thuế suất thấp đối với giày nhập vào Mỹ có nguồn gốc từ nước ngoài. Hãng thời trang thể thao nam Nike là một trong các hãng ủng hộ mức thuế suất thấp với lý do là có lợi cho người tiêu dùng của Mỹ
Hàng năm, khoảng 158 triệu đôi giày mang thương hiệu Nike và Converse của Tập đoàn Nike được xuất khẩu từ Việt Nam đi khắp thế giới. “Khoảng 50% giày dép xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của Nike, trong đó chỉ tính riêng giá trị giày dép của Nike sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là hơn 2 tỷ USD”, ông Athanasakos - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách toàn cầu về sản xuất của Tập đoàn Nike cho biết. Các sản phẩm này được sản xuất tại 40 nhà máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam và đã tạo ra khoảng 300.000 việc làm cho người lao động Việt.
Số giày sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 41% sản lượng của hãng
Trên thực tế, vào khoảng tháng 7/2011, trích lời một tờ báo của Trung Quốc, nhiều tờ báo trong nước đưa tin, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành cơ sở sản xuất giày Nike lớn nhất thế giới. Thông tin cho biết, năm 2000, Trung Quốc là nước sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Nike, với tỷ lệ lên tới 40%, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 13%.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, năm 2005, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ hai, với tỷ lệ 26%; Trung Quốc tuy vẫn dẫn đầu, nhưng giảm xuống còn 36%. Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc đồng hạng nhất, với cùng tỷ lệ 36%. Tuy nhiên, năm 2010, tỷ lệ sản phẩm của Nike sản xuất tại Việt Nam lên tới 37%, còn Trung Quốc chỉ là 34%.
Có rất nhiều lý do khiến Nike chọn Việt Nam, trong đó chi phí lao động đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Athanasakos, tập đoàn này đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU.
“TPP và FTA là hai hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam có thể đàm phán thành công hai hiệp định này. EU không chỉ là thị trường quan trọng đối với Việt Nam, mà còn đối với Tập đoàn Nike. Các sản phẩm giày dép, dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Athanasakos khẳng định.
Theo ông Athanasakos, Nike đang rất nỗ lực để có thể nội địa hóa nguyên liệu sản xuất, nhằm giảm chi phí sản xuất. “Khi mới bước chân vào Việt Nam, Nike phải nhập khẩu 98% nguyên liệu để sản xuất một đôi giày, nhưng hiện nay, con số này đã giảm xuống còn 56%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét