Theo kế hoạch ban đầu, chuẩn bị cho mùa giải 2014, CLB HA.GL sẽ tiến hành cuộc “cách mạng xanh”, bằng cách đôn hàng loạt cầu thủ trẻ của học viện HA.GL-Arsenal JMG và lớp năng khiếu lên chơi ở V.League. Tuy nhiên, kết thúc giải bóng đá U.19 Đông Nam Á, hàng loạt “tiểu pháo thủ” tài năng của đội bóng phố Núi bị chấn thương do nạn bạo lực sân cỏ. Sợ viễn cảnh này sẽ tái diễn ở đấu trường V.League nên bầu Đức quyết định “hy sinh” ở mặt trận này, để dồn sức vào các đội tuyển quốc gia.
Sợ bạo lực ở V.League, cho quân sang châu Âu
Sau 10 năm đầu tư vào môn thể thao vua, hiện nay triết lý làm bóng đá của bầu Đức đã thay đổi theo thời cuộc. Ban đầu, ông bầu này chủ trương đi tắt đón đầu, dùng tiền mua danh hiệu, bằng cách vung tiền ra mua sắm cầu thủ ngôi sao ào ạt... theo kiểu xây nhà từ nóc. Gần đây bầu Đức chuyển sang xây nhà từ móng, khi đầu tư cho ra đời học viện HA.GL-Arsenal JMG. Và sau khi giải U.19 Đông Nam Á kết thúc, bầu Đức tiếp tục thay đổi cách làm mới.
Cụ thể chứng kiến cảnh 5 cầu thủ U.19 Việt Nam phải nhập viện để tiếp tục theo dõi sức khỏe sau khi trở về từ Indonesia: Xuân Trường (rạn xương cẳng tay), Trùm Tỉnh (sập sống mũi), Hồng Duy và Văn Thiết lật cổ chân, Thanh Hậu căng cơ đùi... Trước viễn cảnh các tài năng trẻ của mình có thể sẽ bị gây hại bởi lối chơi “chém đinh, chặt sắt” tại V.League, ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai của các “tiểu pháo thủ”, bầu Đức đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư lớn cho lứa cầu thủ này.
Ông bầu này tiết lộ: “Sau khi tốt nghiệp 7 năm đào tạo tại Học viện HA.GL-Arsenal JMG, thay vì đôn các cháu lên thi đấu ở V.League ngay từ mùa giải 2014, bây giờ chúng tôi quyết định đưa lứa cầu thủ này sang châu Âu tập huấn dài hạn, trung bình mỗi năm từ 5 đến 6 tháng. Thời gian còn lại làm nhiệm vụ quốc gia ở các giải trẻ khu vực và châu lục. Mục tiêu của dàn cầu thủ này là vô địch các kỳ SEA Games 28 - 29 - 30, vào các năm 2015, 2017, 2019. Sau đó là vô địch giải Đông Nam Á với đội tuyển quốc gia, rồi vươn ra châu lục... Ở tầm câu lạc bộ, chúng tôi không đặt nặng vô địch V.League với lứa cầu thủ này, mà các cháu sẽ sang thi đấu ở một số giải nhà nghề châu Âu, châu Á”.
Khán giả Việt Nam vẫn đam mê bóng đá
Không chỉ hài lòng về lối chơi, tinh thần thi đấu quả cảm của các “tiểu pháo thủ”... điều khiến ông Đức hứng khởi nhất sau giải đấu này, chính là sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ và giới truyền thông dành cho bóng đá trẻ.
“Bóng đá Đông Nam Á nói riêng và Việt Nam nói chung đang trải qua giai đoạn khó khăn bậc nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Tưởng rằng người hâm mộ đã lạnh nhạt, quay lưng lại với môn thể thao này, không ngờ họ vẫn còn quan tâm lắm. Bằng chứng, tuy chỉ là trận chung kết lứa tuổi U.19 Đông Nam Á, nhưng tôi thực sự bất ngờ, choáng ngợp trước không khí cuồng nhiệt của hơn 3 vạn khán giả Indonesia lấp kín khán đài sân vận động Gelora Delta Sidoarjo và khoảng gần 10 vạn người không có vé vào sân, tập trung vây kín xem tường thuật trực tiếp qua màn hình lớn bên ngoài sân. Điều này chứng tỏ bóng đá vẫn còn đất sống, thậm chí sống tốt, sống khỏe... miễn là cầu thủ ra sân phải đá thật, chơi thứ bóng đá trong sạch”, bầu Đức cho biết thêm.
Một quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) tiết lộ, trận chung kết giữa U.19 Indonesia và U.19 Việt Nam lập kỷ lục thu hút nhiều khán giả đến sân xem đông nhất trong lịch sử giải đấu này. Điều này dễ hiểu, bởi nếu U.19 Indonesia là nòng cốt các cầu thủ Học viện bóng đá Derportivo của Uruguay mở tại đất nước vạn đảo, thì U.19 Việt Nam có tới 12 trong tổng số 20 cầu thủ đến từ lò học viện HA.GL-Arsenal JMG.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét